Là một trong những vị trí kế toán quan trọng trong doanh nghiệp, kế toán công nợ nắm giữ nhiệm vụ quản lý, kiểm soát và chịu trách nhiệm về tình hình công nợ. Vậy cụ thể kế toán công nợ là gì? Công việc của kế toán công nợ có phức tạp hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Kế toán công nợ là gì?
Kế toán công nợ trong tiếng Anh là Accounting Liabilities. Đây là vị trí kế toán có trách nhiệm về các khoản nợ mà doanh nghiệp phải thu hoặc phải trả. Kế toán công nợ là một trong những vị trí kế toán nội bộ, tương đương với kế toán thuế, kế toán kho,… Kiểm soát tốt các khoản nợ phải thu và nợ phải trả của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy hoạt động bên trong doanh nghiệp.
Công việc của kế toán công nợ
Hằng ngày, kế toán công nợ phải xử lý rất nhiều đầu việc khác nhau. Công việc của kế toán công nợ xoay quanh việc quản lý công nợ và nợ xấu.
Tiếp nhận và kiểm tra hợp đồng
Kế toán công nợ phải cập nhật thông tin của khách hàng, đối tác lên hệ thống hoặc sổ sách liên quan. Khi phát sinh nghiệp vụ chuyển nhượng hay thay đổi thì họ cần phải cập nhật thông tin về khách hàng, đối tác. Ngoài ra, họ cũng cần thường xuyên kiểm tra và rà soát lại nội dung của điều khoản hợp đồng để tránh sai sót.
Kiểm soát công nợ
Định kỳ, công việc của kế toán công nợ chính là kiểm tra lại thông tin, hạn mức tín dụng và thời hạn thanh toán các đơn hàng đã ký kết, giám sát công nợ đối với từng đối tác và khách hàng. Sau đó, họ có trách nhiệm phải báo cáo lại bộ phận quản lý.
Theo dõi quá trình thanh toán của đối tác
Khi có nghiệp vụ công nợ phát sinh, kế toán công nợ phải theo dõi sát sao tình hình thanh toán của từng đối tác.
Tham gia thu hồi nợ xấu
Nếu doanh nghiệp đang có những khoản nợ xấu, nợ khó đói thì kế toán công nợ cũng cần phải tham gia đôn đốc và thu hồi lại những khoản tiền đó.
>>> Xem thêm: Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp
Quản lý công nợ tạm ứng trong nội bộ công ty
Công việc của kế toán công nợ còn bao gồm cả việc theo dõi và nhắc nhở các đối tượng trong nội bộ doanh nghiệp thanh toán. Bên cạnh đó thì khi bất cứ khoản tạm ứng nào đã quá hạn thì họ cũng cần phải tổng hợp lại để đôn đốc việc thanh toán công nợ.
Xử lý công nợ được ủy thác
Khi phát sinh các nghiệp vụ tài chính, kế toán công nợ có trách nhiệm định khoản theo hóa đơn. Không chỉ vậy, họ cần phải điều chỉnh số chênh lệch cho khớp với giá dựa trên chứng từ. Đồng thời, kế toán công nợ còn phải theo dõi các khoản công nợ ủy thác đối với từng đối tượng.
Quản lý khoản vay trong doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp đang có khoản lãi vay cần thanh toán thì kế toán công nợ cần tình toán cụ thể, cung cấp chứng từ cho các bộ phận liên quan để tiến hành chi trả. Họ còn phải đảm nhận việc theo dõi và đôn đốc việc thanh toán của đối tác theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Kế toán công nợ phải thu
Nợ phải thu là các khoản nợ phát sinh khi khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp nhưng chưa thanh toán tiền hoặc chưa thanh toán đủ tiền. Nợ phải thu là tài sản lưu động của doanh nghiệp, có thể được dùng để thế chấp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ vay trong ngắn hạn.
Công việc của kế toán công nợ đối với nợ phải thu bao gồm:
- Hạch toán nợ phải thu
- Đôn đốc và thu hồi nợ, tránh tình trạng doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn
- Lập chứng từ khi khách hàng thực hiện thanh toán bằng hình thức đổi hàng, bù trừ nợ phải thu và phải trả, trả nợ bằng hàng hóa
Kế toán công nợ phải trả
Nợ phải trả là các khoản nợ phát sinh khi doanh nghiệp mua nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ,… từ nhà cung cấp nhưng chưa trả tiền hoặc mới trả một phần.
Công việc của kế toán công nợ đối với nợ phải trả bao gồm:
- Theo dõi và hạch toán chi tiết “chủ nợ” của doanh nghiệp
- Kê khai vào sổ sách có liên quan khi phát sinh nghiệp vụ về nợ phải trả
Trên đây là tất cả những thông tin về công việc của kế toán công nợ. Hy vọng rằng bài viết vừa rồi có thể giúp bạn hiểu rõ hơn vai trò của một kế toán công nợ trong doanh nghiệp.